Phân biệt các loại cốt trà làm trà sữa phổ biến
Tất tần tật về các loại cốt trà pha trà sữa phổ biến
Trên thế giới có rất nhiều loại trà, tới hơn vài ngàn loại trà và mỗi loại trà lại mang tới cho người thưởng trà trải nghiệm uống trà khác nhau. Riêng để pha trà sữa thì, không phải trà nào cũng có thể dùng làm cốt trà vì nhiều lý do như sự hòa quyện với vị sữa hay để lại hậu vị quá chát chẳng hạn.
Bạn đã biết và thưởng thức bao nhiêu loại trà sữa và cảm nhận của bạn chắc chắn sẽ khác nhau ở từng loại trà đúng không? Chắc hẳn mỗi người thưởng trà sẽ có một lúc nào đó tự đặt cho mình câu hỏi “Vậy tại sao lại có sự khác biệt đó giữa các loại trà nhỉ?” Điều này cũng đúng với câu nói: “Kiến thức của chúng ta như một giọt nước giữa đại dương”, còn rất nhiều điều bạn chưa biết. Vậy hãy để Bách Trà đưa đến cho bạn những loại trà được sử dụng làm cốt trà phổ biến nhất trên thị trường pha trà sữa tại Việt Nam.
Điều gì làm lên sự khác biệt trong mỗi loại cốt trà?
Có rất nhiều yếu tố tạo ra sự khác biệt cho các loại trà: giống trà, cách trồng và quá trình oxy hóa. Giống trà ngon chắc chắn sẽ cho ra những lá trà thơm nhất. Cách trồng trọt và thời điểm thu hoạch ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất của lá trà. Quá trình xử lý chính là việc oxy hóa lá trà. Quá trình này tạo ra các phản ứng hóa học trong lá trà, khiến mỗi loại trà có được màu sắc và hương vị khác nhau.
Trà có độ oxy hóa càng cao thì càng tối màu; do vậy càng cần ủ lâu và nhiệt độ nước càng cao. Ví dụ như hồng trà có màu đen, cần ủ với nước sôi 100 độ trong 10-20 phút. Trong khi đó đối trà Sentra (trà xanh Nhật Bản – xem bên dưới), có màu xanh, chỉ cần ủ trong nước sôi 80-85 độ trong 3-5 phút thôi.
Làm thế nào để nhận biết được loại trà bạn đang uống là loại trà nào?
Để nhận biết và phân biệt trà có 4 điều bạn cần chú ý: hình dạng lá trà, màu sắc, vị và hương trà. Cùng Abby nhận biết các loại cốt trà phổ biến để pha trà sữa nhé.
1. Hồng trà
Hồng trà hay còn được gọi là trà đen. Do lá trà trong hồng trà được chế biến oxy hóa hoàn toàn 100% nên lá trà có màu đen nên gọi là trà đen. Tuy nhiên sau khi hãm trà, nước trà lại có màu hồng, đỏ nâu nên được gọi cái tên là “hồng trà”. Cách gọi trà đen (black tea) phổ biến ở các nước phương Tây. Trong khi đó, ở Trung Quốc nói riêng và các nước Châu Á nói chung thì cái tên hồng trà vẫn là thông dụng nhất.
Để sản xuất ra hồng trà, lá trà non được thu hoạch, cho oxy hóa hoàn toàn 100% ở nhiệt độ cao. Nhờ quá trình chế biến đặc biệt, hồng trà được hạn chế bị vỡ vụn (như trà túi lọc) nên vẫn giữ được phần lớn hương vị. Nhân tiện, trà túi lọc cũng lấy nền là hồng trà; tuy vậy do quá trình chế biến phải nghiền nát lá trà để phù hợp với túc lọc, mà hương trà đã mất đi phần nhiều.
Sau khi chế biến, lá trà có màu sậm, nâu tối gần với màu đen và mang theo một hương trà mạnh và vị trà đậm đặc trưng. Màu nâu đậm của hồng trà pha với sữa sẽ trở thành màu nâu nhạt đặc trưng của trà sữa. Cốt hồng trà là loại cốt trà phổ biến trong pha trà sữa, các loại trà sữa quen thuộc: hồng trà kem sữa và hồng trà sủi bọt.
2. Hồng trà shan tuyết
Trà Shan Tuyết đã quá nổi tiếng với hương vị núi rừng Tây Bắc, nhưng để pha trà sữa thơm ngon và đậm vị thì Hồng trà Shan Tuyết được sản xuất riêng dành cho Horeca. Việc kết hợp giữa quy trình sản xuất trà đen vào trà shan tuyết không chỉ giúp giữ nguyên hương vị truyền thống mà còn hỗ trợ làm trà dễ uống hơn và đến gần hơn với giới trẻ.
Màu của cốt trà vẫn là màu nâu đỏ đặc trưng. Khi hòa quyện với sữa sẽ tạo nên một mùi thơm đặc trưng của cốc trà sữa hoàng gia như tên gọi của nhiều quán.
3. Trà Nhài ( trà xanh ướp hoa nhài)
Nghe cái tên “trà nhài” các bạn cũng phần nào hiểu loại trà này là trà gì? Thực ra “Trà Nhài” ở đây chính là loại trà xanh sấy khô được ướp hương hoa Nhài.
Do nền trà chính vẫn là trà xanh, nên nước trà có màu xanh vàng hơi đậm. Khi pha với sữa sẽ trở lại màu xanh nhạt. Vị trà khá rõ hương nhài rất thơm và dễ uống. Do đó đây là nền trà cho món lục trà hương nhài.
4. Trà Ô long
Trà Ô long được sử dụng như một thức uống hàng ngày vì trà Ô long có mùi vị thơm ngon, vị trà thanh, dễ chịu, mang đến cho người thưởng trà cảm giác khoan khoái sau mỗi ngụm trà. Trà Ô long là loại trà lên men một phần (không oxy hóa hoàn toàn) lặp đi lặp lại cho đến khi đạt chuẩn.
Trà Ô long được tạo hình bằng cách se viên tròn, mỗi viên tròn là 1 búp trà. Chính vì điều này mà trà Ô long khi hãm thì các lá trả sẽ nở ra từ viên tròn ấy, bạn sẽ cảm giác như bình trà của bạn thay đổi và cuối cùng gần như bình trà sẽ được bao phủ bởi lá trà.
Trong quá trình xử lý, trà Ô long có các biến thể như:
– Trà Ô long sữa: đây là loại trà Ô long trong khi trồng trà được bón thêm, bổ sung thêm các loại đậu, hạt như đỗ tương,… để trà Ô long sau đó có vị ngọt, ngậy, béo thơm.
– Trà Ô long rang: trà Ô long rang khi thưởng thức trà có một mùi thơm khen khén nhẹ hòa quyện trong hương trà. Điều này tạo nên nét riêng và mùi vị độc đáo cho loại trà Ô long này. Đây chính là loại chính để làm nền trà sữa. Khi hòa quyện với sữa, trà Ô long cho ra màu xanh nhạt và vị thơm thanh dịu rât đặc trưng. Hậu vị của trà Ô long là đậm đà nhất nhì (chỉ kém Sencha) và do vậy đây là cốt trà ưa thích của các bạn muốn thưởng thức một cốc trà sữa đậm vị trà.
5. Trà Sen
Trà Sen là loại trà xanh đặc trưng, phổ biến nhất tại Hà Nội. Trà được lựa chọn từ những cánh trà xanh Thái Nguyên đặc trưng ướp cùng sen Tây Hồ. Loại sen này chỉ có ở Hà Nội nên đây có thể được coi là loại trà đặc trưng của vùng đất Thủ Đô. Sen được trồng theo nghiêm ngặt cả ở quy trình trồng và thu hoạch, vì vậy các sản phẩm tạo ra để được đảm bảo chất lượng tuyệt vời nhất.
Nước trà sen có màu xanh lá cây trong rất đẹp. Sau khi nhấp một ngụm trà, khi bạn chép miệng thì sẽ cảm nhận được một vị thanh thanh, chát nhẹ trong miệng vẫn còn lưu lại, tạo nên một dư vị trà rất riêng rất độc đáo. Chắc hẳn vì điều này đã làm siêu lòng người thưởng trà và do đó, Sen được nhiều quán chọn làm nền của cốc xanh sữa.